Tiếng kêu cứu từ hàng ngàn tấn quặng thô
Cũng chính vì khâu tiêu thụ đầu ra hạn chế nên hàng ngàn tấn quặng thô gần như bị “đóng băng”. Trong bối cảnh quặng chất hàng đống, nợ nần chồng chất, người lao động mất việc làm, công ty đang rất mong được “cởi trói” để vượt qua cơn khốn đốn.
Năm 2007, Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh đã đề xuất và sau đó thành lập Công ty TNHH MTV Sắt Vũ Quang nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu thô trên địa bàn cũng như đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ cho Nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi tại Khu kinh tế Vũng Áng. Trong văn bản cấp phép hoạt động, UBND tỉnh đã có “ràng buộc” với công ty phải đảm bảo việc cung cấp nguồn nguyên liệu cho Nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi, không được phép tự ý bán ra ngoài địa bàn.
Tuy nhiên sau 7 năm, Nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi vẫn chỉ là một khu hoang phế, dự án từng được kỳ vọng là mũi đột phá trong phát triển công nghiệp thực chất giờ chỉ là một “quả bom xịt”.
|
Không giải quyết khâu đầu ra cho sản phẩm, Công ty TNHH MTV Sắt Vũ Quang đi vào ngõ cụt, khai thác đình đốn, trì trệ, sản phẩm không được tiêu thụ như mục tiêu đặt ra ban đầu. Theo ước tính sơ bộ lượng quặng tồn kho của công ty đã lên tới con số “ khủng” trên 3 vạn tấn và con số đó không chỉ dừng lại ở đây. Phó giám đốc Ngô Hồng Sơn chia sẽ: “Với số vốn trên 100 tỷ đồng đã đầu tư vào nhà máy thì một ngày không sản xuất công ty thiệt hại gần 50 triệu đồng và càng kéo dài thì dư nợ này càng lớn. Đó thực sự là một hiểm họa về tài chính”. Khi bài toán đầu ra cho sản phẩm chưa được giải quyết thì nợ ngân hàng lên tới 114 tỷ đồng, nợ thuế 4,7 tỷ đồng, nợ lương công nhân 2 tỷ đồng, nợ BHXH 700 triệu đồng và nhiều chi phí khác chưa có khả năng thanh toán. Kéo theo đó là hơn 150 công nhân thất nghiệp do sản xuất đình đốn, trì trệ. Trong lúc đó hàng vạn tấn quặng thô giờ đây trở thành một đống hoang phế chồng chất lên nhau, bên cạnh đó là những cỗ máy đào, máy xúc nằm ngổn ngang, trơ trọi. Toàn bộ khuôn viên của nhà máy, khu vực làm việc cũng trở nên vắng bóng người.
Ngay thời điểm hiện tại, thị trường “đóng băng”, đầu ra bị bóp nghẹt đó là khó khăn và thách thức mà công ty đang phải đương đầu. Bởi thế việc ngừng sản xuất là khó tránh khỏi và điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của hàng trăm công nhân.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo doanh nghiệp đã đồng tình với quan điểm không bán quặng thô để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ cho đơn vị sản xuất trong tỉnh và nguyện vọng hàng đầu của Công ty lúc này là mong muốn Nhà máy liên hợp gang thép Hà Tĩnh đẩy nhanh tiến độ sớm đi vào hoạt động. Nếu được xuất bán quặng thì số lượng quặng thô tồn đọng sẽ được giải cứu, người lao động sẽ có việc làm, doanh nghiệp cũng sẽ được “hà hơi”. Nhưng suy cho cùng thị trường khó mà “ấm” lên nếu như cứ tiếp tục áp dụng chính sách cấm vận từ phía tỉnh nhà.
Nguồn tin: Giadinh