Xuất khẩu thép được lợi từ TPP
Số liệu Tổng cục Hải quan cho thấy, tính từ đầu năm cho đến hết tháng 9/2013, Việt Nam đã xuất khẩu trên 1,6 triệu tấn sắt thép các loại, trị giá 1,33 tỷ USD, tăng 25,24% về lượng và tăng 16,66% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 9/2013, xuất khẩu sắt thép lại giảm 0,1% về lượng, nhưng lại tăng về 6,1% trị giá so với tháng 8/2013, đạt tương đương với 196,1 nghìn tấn và 152,9 triệu USD.
Việt Nam xuất khẩu sắt thép sang 26 thị trường trên thế giới, tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2012, thì thị trường xuất khẩu 9 tháng năm 2013 lại thiếu vắng thị trường Brazil, New Zealand và Thụy Sỹ.
Campuchia là thị trường chính nhập khẩu sắt thép của Việt Nam trong thời gian này, chiếm 30% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng, đạt 492,9 nghìn tấn, trị giá 337,3 triệu USD, tăng 27,01% về lượng và tăng 14,94% về trị giá so với cùng kỳ. Đứng thứ hai sau thị trường Campuchia là Indonesia với lượng xuất là 231,6 nghìn tấn, đạt kim ngạch 126,2 triệu USD, tăng 14,63% về lượng và tăng 11,12% về kim ngạch.
Theo nhiều chuyên gia, tới đây khi Việt Nam tham gia vào TPP, các doanh nghiệp thép của Việt Nam sẽ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sắt thép. Ông Phạm Chí Cường- nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép (VSA)- cho hay, khi tham gia vào TPP thì ngành thép Việt Nam hoàn toàn có lợi, tiêu thụ sản phẩm làm ra được nhiều hơn và nhập khẩu được sản phẩm tốt hơn.
Thực tế hiện nay, sản phẩm thép của Việt Nam có chất lượng ở mức trung bình, nếu được giảm thuế khi vào TPP, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ xuất khẩu sang các nước ở phân khúc thép trung bình được nhiều hơn.Trong khi đó, các nước trong TPP lại là các nước công nghệ làm thép cao cấp tốt hơn, đây cũng là cơ hội để người tiêu dùng trong nước mua được sản phẩm thép tốt với giá tốt.
Được biết, trong số các nước tham gia TPP chỉ có Nhật Bản là nước mạnh về sản xuất tôn và ống thép.Tuy nhiên, các sản phẩm của Nhật Bản ở phân khúc giá cao nên không ảnh hưởng lớn đến việc nhập khẩu mặt hàng tôn và ống thép vào Việt Nam.
Nguồn: Công thương