Hoya
 
 
 

Thị trường thép Việt Nam

Trang chủ Thị trường thép Việt Nam

Vốn cho doanh nghiệp thép: Vì sao vẫn khó? (14/11/2013)

Cập nhật : 14/11/2013
Vốn cho doanh nghiệp thép: Vì sao vẫn khó? (14/11/2013)

 


Ngành thép ngoài khó khăn về sản xuất và tiêu thụ hiện đang phải đối mặt với việc tìm vốn cho các dự án, nhất là những dự án còn dở dang. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các nhà đầu tư đang băn khoăn có nên tiếp tục đổ vốn vào các dự án thép hay không khi mà nhiều doanh nghiệp trong ngành đang hoạt động dưới công suất. Xung quanh câu chuyện này, phóng viện đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam.

 

 

Xin ông cho biết hiện trạng việc thu xếp vốn cho các dự án thép ?

Ông Phạm Chí Cường: Có thể nói, ngành thép đang rất khó khăn trong việc bố trí vốn cho các dự án đang triển khai. Ví dụ như dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên được phê duyệt từ năm 2007, với tổng vốn đầu tư ban đầu trên 3.800 tỷ đồng. Theo tính toán, dự án sẽ chạy thử nghiệm vào năm 2011. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, dự án đã được đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư lên hơn 8.100 tỷ đồng. Hay như dự án 2 triệu tấn thép cán nóng của Tổng công ty Thép Việt Nam đã không tìm được nhà đầu tư triển khai, mặc dù đã đàm phán với nhiều đối tác Nga , Malaysia ... Ngay cả dự án thép được coi là trọng điểm giai đoạn 2015-2025 tại Hà Tĩnh với nhà thầu Ấn Độ cũng khó khăn do đối tác Tata, Ấn Độ rút khỏi dự án.

Mặt khác, vốn của mỗi dự án đã được Nhà nước phê duyệt theo luận chứng, nhưng trên thực tế đều thực hiện chậm và khi chậm trễ như vậy sẽ gặp khó khăn như: biến động thị trường làm giá cả nguyên vật liệu tăng cao, chính sách của Nhà nước cũng có nhiều thay đổi, khủng hoảng kinh tế thế giới làm cho thời gian dự án bị kéo dài cùng với sự biến động tỷ giá ngoại tệ trong nước…

Thực tế là, khi đối mặt với những khó khăn trên, các DN tư nhân có thể huy động vốn từ nguồn vốn tư nhân nhưng các DN Nhà nước thì bắt buộc phải qua các thủ tục thậm chí là phải duyệt lại dự án.

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên là một trong hai dự án lớn nhất của ngành thép Việt Nam . Vì vậy, nếu dự án không bố trí được vốn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung của ngành thép. Vậy việc giải quyết câu chuyện này đã có kết quả như thế nào thưa ông?

Ông Phạm Chí Cường: Theo quan điểm của tôi, thứ nhất nếu tôi là các ngân hàng thì tôi cũng phải đắn đo và không dễ dàng để chấp nhận việc tăng vốn rất nhiều như vậy. Cụ thể dự án này đã được điều chỉnh vốn tăng gấp đôi. Điều thứ hai là khi tăng như thế đặt trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, nền kinh tế suy thoái, bất động sản đóng băng, tiêu thụ thép giảm mạnh, lượng thép cung vượt cầu như hiện nay thì liệu ngân hàng nào dám cung cấp thêm tiền cho các DN thép. Mặt khác, nếu có “bơm” thêm tiền cho DN liệu có giải quyết được khó khăn hay lại làm cho các DN tiếp tục chìm trong khó khăn hơn. Các ngân hàng cũng là các DN, vì vậy họ càng phải cân nhắc hơn.

 

 

Trước đó, việc dàn xếp vốn tăng lên của dự án gang Thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đã được Chính phủ đồng ý về mặt nguyên tắc. Hiện tại, Bộ Công Thương đã giao cho Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên làm việc với ngân hàng. Như vậy, vụ việc trên như quả bóng đá bên nọ, đá bên kia quay tròn mấy năm nay mà chưa giải quyết được. Mới đây nhất, trong cuộc họp với Bộ Công Thương, vấn đề này đã được Tổng Công ty thép Việt Nam đề nghị nhưng chưa nhận được câu trả lời chính thức. Theo tôi vẫn với cách làm như vậy thì vụ việc sẽ không có tiến triển.

Có nhiều phản ánh là mặc dù lãi suất giảm nhưng các doanh nghiệp thép hiện tại rất khó tiếp cận vốn ngân hàng, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào ? 

Ông Phạm Chí Cường: Mặc dù mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhưng các DN thép vẫn rất khó tiếp cận được vốn, lý do là phía ngân hàng rất thận trọng. Mặt khác, điều kiện để vay vốn và việc cho vay hay không là quyền của ngân hàng. Nếu ngân hàng đồng ý cho vay nhưng đã chính thức cho vay chưa và điều kiện vay cụ thể như thế nào thì chưa biết và nên nhớ rằng thực tế thì không quá thuận lợi như là mình suy nghĩ ban đầu.

Thêm vào đó, nhiều dự án đã chậm tiến độ, nên tính dự báo về hiệu quả dự án cần được xem xét kỹ. Vì vậy, việc cân nhắc có nên tiếp tục triển khai các dự án, hay dừng lại chấp nhận lỗ cũng là bài toán cần tính đến. Bởi đầu tư cho sản xuất thép cần vốn lớn, thời gian thu hồi chậm, chưa kể có những đầu tư rủi ro nếu không chọn được công nghệ thiết bị tốt, không tiên lượng được tính cạnh tranh của sản phẩm.

Tôi rất lo lắng với suy nghĩ của DN là vay lấy được mà trong khi đó suy nghĩ đầu ra như thế nào để có thể trả được nợ, sản xuất cái gì, tiêu thụ như thế nào và đặc biệt đối với một số dự án thì điều kiện để triển khai dự án chưa rõ ràng. Tôi lấy ví dụ, mở lò cao làm luyện thép nhưng quặng có đủ không. Như Công ty thép Hòa Phát có cả mỏ quặng riêng mà còn đang vất vả trong việc tìm nguồn quặng…

Để thu xếp vốn giữa DN và ngân hàng, chủ trương của Nhà nước đã có nhưng ngân hàng cần phải cụ thể hóa những điều kiện cụ thể, đó là trách nhiệm của DN. Muốn làm được thì mọi thứ phải minh bạch, rõ ràng và có triển vọng thì DN mới có thể vay được vốn của ngân hàng để đầu tư vào sản xuất.

 

Xin cảm ơn ông!

Nguồn:CafeLand

 

 

Ông Phạm Chí Cường - Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam

spacer