Nghịch lý thép - Thừa vẫn đua sản xuất
Ngành thép đang đối mặt với dư thừa sản phẩm phục vụ ngành xây dựng, nhưng lại thiếu trầm trọng thép phục vụ trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Đây là nguyên nhân dẫn đến hàng năm Việt Nam phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu thép, trong khi nguồn cung trong nước đang dư thừa.
Thép xây dựng: Lĩnh vực béo bở!
Bất chấp việc Việt Nam áp dụng biện pháp áp thuế tự vệ, 12,6 triệu tấn sắt thép ngoại vẫn đổ bộ vào thị trường nội địa trong 8 tháng đầu năm 2016, tăng 27,3% về lượng và tăng 2,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước; trực tiếp giành thị trường với hàng sản xuất trong nước.
Đáng lưu ý, trong tổng số 12,6 triệu tấn sắt thép ngoại nhập về thời gian qua, Trung Quốc vẫn chi phối cả về lượng và giá thép nhập khẩu với hơn 60% sản lượng, chiếm 56% tổng kim ngạch. Tiếp đến là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Nga. Trong đó, 4 thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Nga chỉ chiếm 38% về lượng và 39% về kim ngạch.
Một số mặt hàng thép nhập khẩu có tốc độ tăng trưởng cao đột biến so với cùng kỳ năm trước gồm: Phôi thép nhập khẩu khoảng 100.000 tấn, tăng 22%; thép hình nhập 97.400 tấn, tăng 33%; tôn mạ kim loại và sơn phủ màu nhập 1,18 triệu tấn, tăng 35%...
Đây chính là nhóm mặt hàng mà trong nước đã sản xuất được, cung vượt gấp đôi cầu. Theo lý giải của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép, dù Việt Nam đã áp dụng biện pháp áp thuế tự vệ, nhưng do giá thép nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc rẻ hơn nhiều so với giá thép của Việt Nam, thấp hơn khoảng trên 10%, do đó, nhiều công ty thương mại vẫn tích cực nhập khẩu để cung ứng ra thị trường.
Chưa kể, Việt Nam hiện là nước đang trên đà phát triển, nhu cầu xây dựng đang ở mức cao khiến ngành thép trong nước lẫn nước ngoài đang nhắm đến mở rộng đầu tư.
Cụ thể, bất chấp lượng thép nhập khẩu đang gia tăng và nguồn cung trong nước đang dư thừa, mới đây Tập đoàn Kyoei Steel (Nhật Bản) vẫn đặt mục tiêu sản xuất đến 1,2 triệu tấn thép xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020, tăng gần 50% từ mức của năm ngoái.
Kyoei Steel đã chi khoảng 170 triệu USD để đầu tư lắp đặt các lò điện cùng các thiết bị khác tại một nhà máy sản xuất đặt tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra, công ty này cũng đã tham gia góp vốn cho một dự án cảng quốc tế tại đây. Khi được hoàn thành vào tháng 3-2018, cảng quốc tế trên sẽ giúp Kyoei Steel nhập thép phế liệu cùng các loại hàng hóa khác phục vụ nhà máy sản xuất.
Năng lực sản xuất và vận chuyển của Kyoei Steel đến lúc đấy dự kiến sẽ được nâng lên 900.000 tấn/năm, tăng từ mức 550.000 tấn của năm ngoái. Kyoei Steel cũng có kế hoạch tăng sản lượng thép tại nhà máy đặt ở Ninh Bình từ mức 230.000 tấn của năm 2015 lên 300.000 tấn/năm, thông qua việc cải thiện hoạt động sản xuất.
“Thị trường thép xây dựng của Việt Nam được cho là sẽ tăng 30% trong 5 năm tới, lên tới 12 triệu tấn năm 2020. Theo đó, không chỉ Kyoei Steel đang hướng tới chiếm lĩnh thị phần thép tại Việt Nam, mà những “ông lớn” như Hòa Phát, Tôn Hoa Sen… cũng tìm cách mở rộng đầu tư”, TS Trần Văn Ngọc, Đại học Công nghiệp TPHCM đưa ra nhận xét.
Cân bằng chủng loại
Theo đánh giá của Vụ Công nghiệp nặng, thời gian qua Việt Nam mới chỉ sản xuất được thép xây dựng, chưa sản xuất được thép phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế tạo và phải nhập khẩu hoàn toàn loại thép này với số lượng khoảng 13 triệu tấn/năm. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhập siêu của ngành thép mỗi năm vào khoảng 7 tỷ USD.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trước bối cảnh các nhà sản xuất thép trong nước lẫn nước ngoài liên tục xin mở rộng công suất, trong khi hiện nay so với nhu cầu, nguồn cung thép xây dựng trong nước đã dư thừa rất lớn. Cụ thể, thời gian qua Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã phải liên tục lên tiếng về việc dư thừa công suất thép. Do vậy, để có thể cạnh tranh được với nguồn nhập khẩu từ các nước cũng như sản xuất ra thị trường không sợ bị dư thừa, các nhà sản xuất thép trong nước cần phải làm một chủng loại thép mới hoàn toàn, chưa có và đang rất cần.
Đồng quan điểm này, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, hiệp hội không ủng hộ đầu tư vào các dự án sản phẩm phôi thép và thép dài do chênh lệch cung - cầu quá lớn. Còn đối với các sản phẩm như thép tấm lá cán nguội, tấm cán nóng, thép hợp kim đặc biệt thì nên ủng hộ, bởi nhóm sản phẩm này đang thiếu, phải nhập khẩu.
Theo Quyết định 2146 ngày 1-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, sẽ hình thành các doanh nghiệp có quy mô trên 3 triệu tấn, tập trung sản xuất một số loại thép mà ngành công nghiệp trong nước còn thiếu như thép tấm, thép chế tạo phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ.
“Định hướng của Thủ tướng Chính phủ rất rõ ràng, phải hình thành doanh nghiệp thép có quy mô lớn để đảm bảo sức cạnh tranh và tận dụng nguồn quặng sắt hàng tỷ tấn mà Việt Nam đang có. Chính phủ cũng định hướng hình thành các Tổ hợp thép lớn mà chỉ có công nghệ lò cao mới sản xuất được”, đại diện Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương thể hiện quan điểm.
Mới đây, trả lời trước báo giới xung quanh dự án thép ở Cà Ná-Ninh Thuận do Tập đoàn Tôn Hoa Sen đề xuất, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định, phải đánh giá lại cung - cầu thép ở Việt Nam, hạn chế đầu tư các sản phẩm đã đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, đồng thời khuyến khích đầu tư vào các dự án sản xuất thép mà trong nước chưa đáp ứng được. Kiên quyết loại bỏ các dự án thép mà thị trường đang dư thừa.
Nguồn tin: ĐTTC