Hoya
 
 
 

Thị trường thép Việt Nam

Trang chủ Thị trường thép Việt Nam

Ngành thép 2013: Nỗ lực tiết giảm chi phí và khai thông thị trường

Cập nhật : 04/10/2013
Ngành thép 2013: Nỗ lực tiết giảm chi phí và khai thông thị trường Các doanh nghiệp (DN) ngành thép đã trải qua một năm 2012 "sóng gió", và năm 2013 tiếp tục được dự báo sẽ còn khó khăn khi nhu cầu tiêu dùng, đầu tư giảm sút, thị trường bất động sản (BĐS) vẫn chưa phục hồi. Tuy nhiên, tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2013 của ngành thép, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh sẽ quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN ngành thép với các chính sách kích cầu đầu tư, tiêu thụ và giảm lãi suất cho vay.

Với lượng cung vượt xa cầu, sản xuất thép tại Công ty Thép miền Nam hiện đang dư thừa công suất, nên phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với các nhà máy thép trên địa bàn và thép nhập ngoại. Ông Tạ Thanh Hiếu - Giám đốc Công ty, cho biết DN đã phải điều chỉnh, cắt giảm 10 ngày sản xuất.

Giảm từ 40 - 60% công suất
"Thị trường có nhiều biến động khó lường, các sản phẩm nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng trong thời gian ngắn nhưng lại giảm giá trong thời gian dài và không ổn định. Tốc độ giảm giá bán bình quân của phôi thành phẩm lớn hơn nhiều so với tốc độ giảm giá bán bình quân của phế liệu đầu vào.
Không chỉ gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên còn phải đối mặt tình trạng thiếu vốn trong các dự án (DA) tại các nhà máy. Mặc dù duy trì được nhịp độ sản xuất, tạo việc làm ổn định cho công nhân, nhưng thu nhập của người lao động tại DN này giảm sút và mức lợi nhuận chỉ bằng năm 2011. Ông Trần Văn Khâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty, cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là đa số nhà thầu đều trong tình trạng "đói" vốn để triển khai đầu tư xây dựng, nên có nhiều DA chậm tiến độ.
Theo đánh giá của Tổng Công ty Thép Việt Nam (VnSteel), năm 2012 là năm khó khăn nhất đối với các DN trong ngành do thị trường BĐS "đóng băng" kéo dài khiến nhiều DA xây dựng bị đình trệ, thị trường thép "tắc" đầu ra. Bên cạnh đó, sản phẩm thép trong nước lại phải cạnh tranh khốc liệt với thép nhập khẩu (NK) giá rẻ từ Trung Quốc. Trong tình hình đó, có những tháng phần lớn các nhà máy chỉ chạy 40 - 50% công suất, thậm chí 30% công suất để duy trì sản xuất và giữ chân người lao động.
Không những cắt giảm sản xuất,, điều chỉnh kế hoạch để phù hợp với nhu cầu thị trường, hầu hết DN trong ngành thép đều phải nỗ lực cắt giảm chi phí giá thành sản phẩm và thực hành tiết kiệm. Ông Khâm cho biết ngay từ đầu năm, Gang thép Thái Nguyên đã phải rà soát lại mọi hoạt động để cắt giảm những chi phí không cần thiết và giao khoán tiết kiệm bắt buộc với các đơn vị thành viên. Ngoài ra, cơ chế khuyến khích áp dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng các công nghệ hiện đại cũng được đưa ra đã bước đầu giúp Công ty tiết giảm được 1,5% chi phí giá thành.

Tiết giảm chi phí, chú trọng lưu thông
Không chỉ thực hành tiết kiệm, tiết giảm chi phí sản xuất, Công ty Tôn Phương Nam còn tập trung quản lý đầu ra sản phẩm thông qua việc xây dựng hệ thống phân phối. Ông Hồ Văn Thiệp - Phó Tổng giám đốc Công ty, cho biết Tôn Phương Nam luôn chú trọng xây dựng mối quan hệ tốt với các nhà phân phối, như: hỗ trợ đại lý tăng cường quảng bá thương hiệu, tổ chức các hội nghị khách hàng khu vực, chính sách giá cả thị trường linh hoạt và được kiểm soát minh bạch. Đến nay, DN này đã có 11 đại lý "trung thành" chỉ bán sản phẩm Tôn Phương Nam với lượng tiêu thụ lên đến 100 tỷ đồng, so với 30 tỷ đồng của các năm trước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2013, VnSteel cũng nhận định thị trường BĐS, hoạt động sản xuất công nghiệp và xây dựng sẽ còn khó khăn về vốn và chưa khởi sắc. Do đó, hoạt động sản xuất - kinh doanh của ngành thép tiếp tục sẽ đối mặt với nhiều thách thức khi những "nút thắt" lớn của năm 2012 là hàng tồn kho lớn, vốn đầu tư, cắt giảm công suất… vẫn chưa được giải quyết. Dự báo, nhu cầu thép xây dựng nội địa tăng trưởng khoảng 4 - 4,5% so với năm 2012. Đặc biệt, thép xây dựng và tấm lá được dự báo sẽ phải cạnh tranh quyết liệt khi Công ty Cổ phần China Steel Sumikin Việt Nam tham gia thị trường, với công suất 1,2 triệu tấn. Do đó, với mục tiêu tăng trưởng từ 2% trong toàn ngành, VnSteel phấn đấu có lãi với mức sản xuất, tiêu thụ tăng từ 9 - 12% sẽ là một thách thức không nhỏ.

-----------------------------------------------------------------------------------------
Nâng cao năng suất, chất lượng từ đổi mới công nghệ
Ông Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ Công Thương
------------------------------------

Tôi đề nghị trước hết ngành thép cần đẩy nhanh những công trình đang dang dở, lựa chọn công trình khả thi, hiệu quả. Mặc dù có nhiều khó khăn về vốn, nhưng các công trình có ý nghĩa then chốt phải tập trung chỉ đạo, khó đến đâu tháo gỡ đến đó. Thứ hai, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, quyết liệt hơn trong áp dụng công nghệ mới, nâng cao sức cạnh tranh và đi đôi cải thiện môi trường. Thứ ba, tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống phân phối, bởi đây là một trong những mặt hàng cần bình ổn cung - cầu giá cả. Thứ tư, cần nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm, có nhiều biện pháp, như: tăng cường đầu tư khoa học công nghệ, giảm chi tiêu, tham mưu cho Bộ và Chính phủ để bảo hộ sản xuất trong nước một cách chính đáng; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu DN. Thứ năm, tăng cường vai trò hoạt động của Hiệp hội
Thép Việt Nam (VSA), trong đó các DN trong VnSteel phải là chủ đạo...
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sản xuất thép vượt qua tầm kiểm soát là quy hoạch ngành thép. Vừa qua, Bộ đã phê duyệt, điều chỉnh và báo cáo Thủ tướng. Liên quan đến việc ban hành tiêu chuẩn, quy phạm và hàng rào kỹ thuật, chúng tôi sẽ trao đổi với Bộ Khoa học và Công nghệ. Bộ cũng sẽ cùng Bộ Tài chính xem lại lộ trình thuế suất trong khuôn khổ cam kết với lộ trình có thể điều chỉnh được.
Gỡ đầu ra cho ngành thép
Ông Vũ Bá Ổn - Phó Tổng Giám đốc VnSteel
------------------------------------
Đề nghị Chính phủ có chính sách kích cầu với ngành xây dựng và các ngành tiêu thụ sản phẩm thép nhằm giúp DN ngành thép tăng sản lượng tiêu thụ, tăng công suất, giảm chi phí để hạ giá thành sản phẩm. Cần có giải pháp tiếp tục giảm lãi suất cho vay và mở rộng lĩnh vực được ưu tiên vay vốn để giúp DN thoát khỏi khó khăn vì lãi suất tín dụng còn quá cao so với khả năng sinh lợi của DN. Ngoài ra, cần có biện pháp triệt để thực hiện quy hoạch phát triển ngành thép, không để xảy ra cung vượt cầu như hiện nay, gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường nội địa, gây thiệt hại cho DN và gây lãng phí cho nền kinh tế. Các rào cản kỹ thuật cũng cần sớm ban hành để kiểm soát chất lượng thép, đặc biệt thép có chứa hợp kim Bo; quy định thép NK phải có logo sản phẩm để ngăn chặn thép NK kém chất lượng, bảo vệ các DN sản xuất thép trong nước.

Tập trung đẩy mạnh xuất khẩu
Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch VSA
------------------------------------
Đẩy mạnh xuất khẩu là việc cần làm để DN giảm lượng hàng tồn kho. Bởi không xuất khẩu, các DN trong nước "đánh" lẫn nhau, nhiều DN trước áp lực lỗ đã giảm giá bán để giảm lỗ, mặc dù có lợi cho người tiêu dùng nhưng lại không đảm bảo lợi ích cho nhà sản xuất

Cẩm An (Thời báo Kinh Doanh)

 

spacer