Hoya
 
 
 

Thị trường thép Việt Nam

Trang chủ Thị trường thép Việt Nam

Lao đao vì phôi thép Trung Quốc

Cập nhật : 18/08/2015
Lao đao vì phôi thép Trung Quốc

 (TBKTSG) - Vài tháng gần đây, phôi thép giá rẻ từ Trung Quốc lại ồ ạt đổ vào Việt Nam, tiếp tục khuấy đảo thị trường trong nước khiến các nhà sản xuất phôi, sản xuất thép sử dụng nguồn phôi nội phải chống đỡ vất vả.

Thép thừa từ Trung Quốc đổ sang Việt Nam

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy lượng sắt thép các loại từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam trong sáu tháng đầu năm nay là 4,1 triệu tấn, tăng mạnh đến 77,3% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm đến hai phần ba tổng lượng sắt thép nhập khẩu (6,9 triệu tấn) sáu tháng đầu năm.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, gần đây, nhiều nhà sản xuất thép và phôi thép trong nước liên tục than thở về tình trạng lượng phôi thép giá rẻ Trung Quốc nhập về Việt Nam cao bất thường. Giá phôi thép Trung Quốc rẻ đã khiến một số nhà máy luyện phôi trong nước rục rịch chuyển hướng làm ăn, từ nhập thép phế liệu về luyện phôi chuyển sang nhập phôi từ Trung Quốc cán ra thép thành phẩm bán ra thị trường, tính ra lợi nhuận cao hơn trước. Trong khi đó, những nhà sản xuất sử dụng phôi thép trong nước cũng đang vất vả cạnh tranh với thép cán từ phôi thép giá rẻ của Trung Quốc, hoạt động sản xuất của nhiều nhà máy thép bị xáo trộn, có doanh nghiệp buộc phải giảm sản xuất xuống chỉ còn một phần ba công suất thiết kế.

Trao đổi với TBKTSG, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết hiện phía Trung Quốc bị khủng hoảng thừa phôi thép và đang tìm đường sang Việt Nam tiêu thụ. “Trước kia, chúng ta khuyến khích đầu tư từ “thượng nguồn”, nghĩa là từ khâu sản xuất phôi, nhưng giờ đang “vấp” phải phôi giá rẻ từ Trung Quốc nên các doanh nghiệp cạnh tranh rất khó khăn”, ông Dũng nói và cho biết thêm hiện công suất sản xuất phôi thép của cả nước vào khoảng 11 triệu tấn/năm nhưng năm ngoái chỉ chạy được 6 triệu tấn (khoảng 60%). Dự báo tình hình năm nay còn bi đát hơn bởi phải chịu thêm áp lực từ nguồn phôi thép Trung Quốc.

Doanh nghiệp chống đỡ

Từ vài tháng nay, nhà máy thép Thái Bình Dương tại thành phố Đà Nẵng đã giảm công suất từ 300.000 tấn/năm xuống còn 100.000 tấn/năm do sức ép cạnh tranh của thép cây, thép cuộn và phôi thép Trung Quốc.

Bà Nguyễn Thị Xuân, Chủ tịch HĐQT công ty, cho biết nhà máy mua thép phế làm nguyên liệu luyện phôi và từ phôi cán ra thép thành phẩm, giá xuất xưởng khoảng 10.400 đồng/ki lô gam sắt cây và 10.200 đồng/ki lô gam sắt cuộn. Trong khi đó, phôi thép Trung Quốc nhập về rẻ hơn phôi trong nước 500-700 đồng/ki lô gam, chưa kể thép cuộn từ Trung Quốc cũng theo phôi ồ ạt nhập về Việt Nam bán cho các đại lý với giá chỉ khoảng 8.200 đồng/ki lô gam. Bà than thở: “Nghe đâu Trung Quốc hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp thép của họ khi xuất khẩu thép, nhờ đó, giá bán sản phẩm đến Việt Nam rất rẻ. Việc sản xuất thép trong nước hiện rất khó khăn. Nhà máy chúng tôi phải tập trung làm đêm để tận dụng giá điện thấp nhằm giảm bớt chi phí”.

Theo bà Xuân, nhờ đổi mới công nghệ cộng với tập trung sản xuất ban đêm, xuất xưởng rải đều chứ không cùng lúc đẩy ra thị trường số lượng lớn nên giá thành thép của công ty mới có thể cạnh tranh, duy trì được sản xuất, đảm bảo việc làm cho gần 500 công nhân. Còn nhiều nhà máy khác sử dụng nguồn phôi trong nước thì coi như khó lòng trụ vững.

Một khó khăn khác được bà Xuân nhắc đến là quy định doanh nghiệp thép phải ký quỹ khi nhập thép phế liệu. Đó là Nghị định 38/2015 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15-6-2015 quy định tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu sắt thép, nhựa phế liệu làm nguyên liệu sản xuất phải ký quỹ bảo đảm với mức cao nhất lên đến 20% tổng giá trị lô hàng. Mục đích của việc ký quỹ là để bảo đảm các cá nhân, tổ chức nhập khẩu phế liệu chịu trách nhiệm xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh từ lô hàng phế liệu nhập khẩu.

Hiện mỗi tháng, Công ty Thép Thái Bình Dương phải nhập khoảng 10.000 tấn thép phế liệu giá trị khoảng 60 tỉ đồng, tiền ký quỹ xấp xỉ 12 tỉ đồng. Bà Xuân cho biết để đáp ứng quy định này, công ty bà phải chạy vay thêm vốn. “Chúng tôi làm ăn đã mấy chục năm, có những đối tác cung cấp nguyên liệu uy tín, hàng về Việt Nam là đưa vào sản xuất ngay và chưa bao giờ bị xử lý về môi trường. Đành rằng quy định để ràng buộc các doanh nghiệp làm xấu môi trường nhưng vô tình tăng thêm phần khó khăn cho những doanh nghiệp làm tốt”, bà Xuân nói.

Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt, cũng cho rằng quy định bất hợp lý ở chỗ hiện cả nước chỉ có khoảng 10 nhà máy sản xuất thép có nhập khẩu thép phế liệu, tương đối dễ quản lý chứ không quá khó khăn đến mức phải ra thêm quy định ký quỹ.

Hiện mỗi tháng các nhà máy của Thép Việt nhập khoảng 100.000 tấn thép phế liệu, và với giá thép phế 260 đô la Mỹ/tấn thì số tiền ký quỹ cũng lên đến hơn 5 triệu đô la Mỹ.

Theo ông Thái, với quy mô sản xuất lớn, khoản tiền ký quỹ của Thép Việt không quá khó xoay xở, nhưng đối với những nhà máy quy mô nhỏ hơn và trong điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn, họ đã không còn nhập thép phế về cán phôi nữa mà đã chuyển sang nhập phôi giá rẻ của Trung Quốc về cán ra thép.

Xét trong chừng mực nào đó, chính sách ký quỹ nhập phế liệu đang gián tiếp “kích cầu” tiêu thụ phôi thép Trung Quốc. Ngành thép trong tương lai sẽ thêm mất cân bằng giữa các khâu sản xuất, từ luyện phôi đến cán thép thành phẩm. “Nhiều nhà máy luyện phôi giờ đây chuyển sang nhập phôi của Trung Quốc, đây là một thực tế rất đáng cảnh báo cho ngành thép Việt Nam trong tương lai”, ông Thái lo lắng.

Văn Nam

spacer