Hoya
 
 
 

Thị trường thép Việt Nam

Trang chủ Thị trường thép Việt Nam

Dự án thép Cà Ná

Cập nhật : 13/10/2016
Dự án thép Cà Ná

TS Lưu Bích Hồ hoàn toàn đồng ý với chỉ đạo của Thủ tướng xung quanh dự án thép Cà Ná ở Ninh Thuận

Đó là khẳng định của TS Lưu Bích Hồ- Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển với Đất Việt xung quanh ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ với dự án Khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná mà UBND tỉnh Ninh Thuận và Tập đoàn Hoa Sen kiến nghị.

PV: - Trả lời kiến nghị của UBND tỉnh Ninh Thuận liên quan đến dự án Khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná, Thủ tướng Chính phủ kết luận đây là dự án đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, Thủ tướng “chưa có ý kiến về dự án này”.

Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo cụ thể về tình hình, khả năng dư thừa thép của thế giới và thị trường Việt Nam.

Giao Bộ Công Thương cùng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá công nghệ, thiết bị của nhà máy đảm bảo chắc chắn không gây ô nhiễm môi trường.

Giao Bộ TN-MT phối hợp với tỉnh đánh giá tác động môi trường kỹ lưỡng, thận trọng, quy định chế tài nghiêm khắc nhất để bảo vệ môi trường.

Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết định chính thức về vấn đề này trên cơ sở xem xét cụ thể các báo cáo trên. Ông bình luận như thế nào về thông tin này?

TS Lưu Bích Hồ: - Tôi hoan nghênh ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Dự án thép Cà Ná tại Ninh Thuận là một dự án lớn. Tuy nhiên hiện nay những kiến nghị của UBND tỉnh Ninh Thuận cũng như Tập đoàn Hoa Sen mới chỉ dừng lại là đề xuất bước đầu, chưa có những luận chứng đầy đủ.

Do đó các cơ quan chức năng, các Bộ liên quan phải yêu cầu họ báo cáo, có những luận chứng đầy đủ và xem xét cẩn thận từng lĩnh vực. Trong đó có những vấn đề quan trọng như: nhu cầu, khả năng cung cấp thép trên thị trường thế giới và trong nước; vấn đề về vốn, tài chính; vấn đề về công nghệ, về môi trường…

Tất cả những chuyện như thế tôi nghĩ rất cần thiết. Nếu không làm như vậy thì chúng ta không đủ căn cứ để kết luận. TS Lưu Bích Hồ hoàn toàn đồng ý với chỉ đạo của Thủ tướng xung quanh dự án thép Cà Ná Thứ hai là hiện nay báo chí cũng như dư luận có nhiều ý kiến trái chiều chưa đồng tình.

Chúng ta cũng cần rút kinh nghiệm từ các dự án khác liên quan đến công nghệ và nhà thầu Trung Quốc như: dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông hay bô xít Tây Nguyên để có những xem xét cẩn thận như vậy.

Vì những lý do đó nên việc Thủ tướng yêu cầu các Bộ xem xét, đánh giá cẩn thận rồi sau đó mới quyết định là một ý kiến rất xác đáng. Tôi cho rằng chắc chắn khi các Bộ làm xong nhiệm vụ, nếu cần thiết Thủ tướng cũng sẽ đem dự án này ra xem xét ở một tổ chức hay hội đồng có tính chất khoa học và kinh tế trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

PV: Theo ông các Bộ cần phải phối hợp với nhau như thế nào để các báo cáo trình lên Thủ tướng thông tin chuẩn xác, khách quan, đầy đủ nhất? Có ý kiến cho rằng trong dự án thép Cà Ná, nhằm giúp Thủ tướng đưa ra những quyết định đúng đắn nhất chúng ta nên công khai và nhận ý kiến phản biện (dù tích cực hay tiêu cực) từ các chuyên gia. Ông có đồng tình với ý kiến này không? Xin ông phân tích cụ thể.

TS Lưu Bích Hồ: - Tất nhiên, các Bộ khi làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình thì phải phối hợp với nhau chứ không phải đơn phương độc mã làm, trình lên cho Thủ tướng. Theo tôi, với dự án thép Cà Ná, cần phải có một Bộ đứng ra chủ trì để phối hợp với các Bộ khác. Ở đây tôi nghĩ Bộ Công thương nên đảm nhiệm vai trò đó. Đương nhiên các Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ TN-MT cũng cần vào cuộc để đánh giá và đưa ra kết luận.

Tôi đồng ý với việc để các chuyên gia đưa ra ý kiến phản biện đối với dự án quan trọng này. Nếu đúng quy định theo thông lệ chúng ta làm việc thì các Bộ nên tiến hành tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học chứ không phải làm một mình với các cơ quan quản lý hành chính. Kinh nghiệm từ nhà máy Formosa Hà Tĩnh, dự án bô xít Tây Nguyên để lại cho chúng ta nhiều bài học.

Hiện nay nhiều công trình khác cũng tiến hành dở dang, doanh nghiệp đi vào hoạt động nhưng thua lỗ kéo dài, đòi xin được hỗ trợ, bù lỗ thế nọ, thế kia. Đó cũng là bài học chúng ta phải rút ra để làm tốt dự án này.

Tôi nghĩ việc phản biện này không có vấn đề gì khó khăn cả. Đây không phải là công trình liên quan nhiều đến quan hệ quốc tế, chính trị nhạy cảm gì, mà thực chất là một công trình tự làm.

Tất nhiên, trong đó, có thể có việc thu hút công nghệ, thiết bị cũng như nguồn vốn của nước ngoài. Tuy nhiên theo tôi, cái khó nhất ở đây là chúng ta có khách quan, trung thực, minh bạch đặt lợi ích kinh tế của đất nước lên trên lợi ích của tập đoàn, công ty hay không? Chúng ta có dám đặt vấn đề an toàn về môi trường, xã hội của nhân dân lên xem xét thay vì lợi ích mang tính chất địa phương hay không? Đó là những vấn đề cần phải trả lời.

Để xảy ra những việc đáng buồn như thời gian qua, tôi cho rằng có cả trách nhiệm của phía Việt Nam. Vì lợi ích của các cơ quan đầu tư, của một số cá nhân mà chúng ta dễ dàng bỏ qua các yếu tố kỹ thuật, công nghệ, tham rẻ và tiếp nhận những cái không tốt. PV: - Ở góc độ một chuyên gia độc lập ông đánh giá thế nào về dự án này?

Theo ông, hiện nay có phải là thời điểm phù hợp để chúng ta đầu tư xây dựng một nhà máy thép mới hay không? TS Lưu Bích Hồ: - Đến thời điểm này tôi chưa có ý kiến cuối cùng về dự án thép Cà Ná.

Nhưng ngay từ đầu, tôi đã nói là không đồng ý vì lý do. Thứ nhất, thị trường thép của Việt Nam khó có thể cạnh tranh được với các nước trong và ngoài khu vực. Sắp tới chúng ta làm ra một sản lượng lớn như vậy thì liệu rằng có cạnh tranh được với Trung Quốc hay không? Nhiều chuyên gia đã có ý kiến về chuyện đó.

Cái quan trọng nhất là việc đó mà chúng ta phải xem xét, đánh giá thận trọng, toàn diện. Thứ hai là vốn đầu tư, công nghệ, môi trường và các điều kiện khác nữa. Ở đây công nghệ Trung Quốc nhiều chuyên gia và người dân đều lo sợ. Tôi cho rằng không phải mọi thiết bị, công cụ của Trung Quốc về lĩnh vực thép này đều xấu, lạc hậu cả.

Các doanh nghiệp Trung Quốc làm ở đất nước họ hiện đại và tốt lắm. Trung Quốc là một trong những nước sản xuất thép lớn nhất thế giới và cũng là nước tiêu thụ thép lớn nhất thế giới.

Tôi khẳng định, Trung Quốc có đầy đủ công nghệ tốt, quan trọng là họ có đưa cho chúng ta công nghệ tốt hay không và phía Việt Nam chọn lựa, sàng lọc, thẩm định ra sao để lấy về. Đó là vấn đề cũng cần phải xem xét vào lúc này. Thứ ba, cấp nước ở Ninh Thuận cũng là một vấn đề.

Chúng ta làm nhiều như vậy thì nước có đủ đâu. Tôi làm quy hoạch nên biết rất rõ điều kiện vùng đó. Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen rất hăng hái. Tôi đánh giá cao việc này.

Tuy nhiên hăng hái, nhiệt tình thì phải vì lợi ích chung, lâu dài, bền vững của đất nước. Tôi lấy trường hợp công ty của bầu Đức làm ví dụ. Tôi đánh giá ông ấy làm việc rất nghiêm túc nhưng giờ đổ bể.

Nguyên nhân là không dự báo được thị trường. Cao su đang khổ sở như vậy, liệu giờ chúng ta mở rộng đầu tư vào ngành thép thì nay mai có tình trạng tương tự như vậy hay không? Việc này phải cẩn thận và tôi cho rằng chưa phù hợp vào lúc này.

Xin cảm ơn TS Lưu Bích Hồ đã chia sẻ với PV

Nguồn tin: Báo việt

spacer