Hoya
 
 
 

Thị trường thép Việt Nam

Trang chủ Thị trường thép Việt Nam

Báo cáo tổng quan thị trường sắt thép tháng 9 - 9 tháng đầu năm 2013 và dự báo quý 4/2013

Cập nhật : 14/11/2013
Báo cáo tổng quan thị trường sắt thép tháng 9 - 9 tháng đầu năm 2013 và dự báo quý 4/2013

 Phòng Tin Thương mại và Hội nhập Quốc tế – Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại công bố báo cáo tổng quan thị trường sắt thép tháng 9/2013 - 9 tháng đầu năm 2013 và dự báo quý 4/2013.

Báo cáo gồm 5 phần cơ bản sau:

1. Tổng quan thị trường thép thế giới

2. Thị trường quặng sắt thế giới

3. Tổng quan thị trường thép trong nước

4. Dự báo xu hướng thị trường

5. Đề suất và kiến nghị

Tóm lược:

- Thị trường thép thế giới đã có dấu hiệu hồi phục trong tháng 9, thoát khỏi đáy của tháng 7 nhờ kinh tế hồi phục tại một số điểm châu Âu và châu Á.

- Thị trường thép trong nước trầm lắng do nhu cầu tiêu thụ yếu trong mùa mưa bão song các doanh nghiệp vẫn phải tăng giá do giá nguyên liệu thô cao.

Báo cáo cụ thể:

I. TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG THÉP THẾ GIỚI

Thị trường thép thế giới tháng 9 hồi phục khỏi xu hướng yếu của tháng 7 nhờ có nhiều dấu hiệu hồi phục kinh tế tại một số nước châu Âu và châu Á. Các nhà máy thép đã thành công trong việc tăng giá trong tháng này song không chắc có giữ được mức giá cao do nguyên nhân tăng không phải là nhu cầu sẽ mạnh trong tháng 10 mà là giá nguyên liêu thô cao.

Trong 9 tháng đầu năm nay, giá thép biến động khá mạnh. Sau khi tăng cao vào giữa tháng 2, giá đã chạm xuống mức thấp cuối tháng 6, đầu tháng 7 sau đó lại hồi phục mạnh trong tháng 9. So với mức đỉnh cao trong tháng 2, giá đã giảm khoảng 60 USD/tấn chạm xuống mức thấp nhất 40 tháng qua trong tháng 7.

Đồ thị 1 biểu diễn chỉ số giá thép thế giới từ 20/09/2012 đến 20/09/2013 (nguồn: SteelHome)

Thị trường thép châu Âu

Ngành thép châu Âu đã có sự cải thiện rõ rệt trong tháng 9 nhờ có nhiều dấu hiệu hồi phục kinh tế. Sau khi chạm xuống mức thấp nhất 40 tháng vào tháng 7, giá đã hồi phục trở lại trong hai tháng tiếp theo. Tuy nhiên lợi nhuận của các nhà máy vẫn tiếp tục bị thu hẹp. Nhiều nhà máy thép đã thông báo tăng giá thép nhằm cải thiện tình hình tài chính của họ. Nhiều nhà máy thép cán phẳng gặp phải các vấn đề về sản xuất, điều này có nghĩa là sẽ có ít nguyên liệu trong quý cuối năm nay.

Quý 4 là thời điểm truyền thống nhu cầu yếu tại khu vực này trong khi Brazin và Ấn Độ đã bắt đầu bán ồ ạt để tận dụng đồng nội tệ giảm giá do vậy giá dự kiến giảm trong thời gian này.

Trên thị trường Đức, giá đãchạm đáy trong tháng 7, song kể từ đó các nhà máy thép đã tăng giá bán sản phẩm. Khách hàng đã chấp nhận yêu cầu tăng giá do họ không có nhiều lựa chọn.

Tại Pháp, hoạt động mua đã trở lại từ cuối tháng 7 và tháng 8 trước khi giá tăng. Nhiều trung tâm dịch vụ đã mua tích trữ. Khách hàng hiện phải chịu thời gian giao hàng dài hơn sau khi cắt giảm sản xuất và đóng cửa nhiều nhà máy. Tuy nhiên, còn quá sớm để nói rằng lượng đơn đặt hàng của các nhà máy tăng lên và nhu cầu mua của người sử dụng cuối cùng bền vững.Trong tháng 9, chỉ có một vài đơn hàng được ký kết với mức giá cao.

Trong khi đó tại Italia, nền kinh tế chỉ có dấu hiệu hồi phụ nhỏ song ít ra là đã ổn định. Các nhà máy thép đã thành công trong việc tăng giá song giá tăng là do giá nguyên liệu thô tăng chứ không phải là do nhu cầu mạnh lên trong tháng 10.

Thị trường Anh cũng chạm đáy trong tháng 7 cả về tình hình và giá cả. Nhiều nhà phân phối cho biết hoạt động thương mại đã cải thiện mạnh trong tháng 8 và tháng 9 bắt đầu tốt. Một số thương gia lo ngại rằng thị trường sẽ yếu trong quý 4 do Brazin và Ấn Độ bắt đầu bán ồ ạt sau khi đồng tiền của họ phá giá.

Hoạt động thương mại hết sức trầm lắng tại Tây Ba Nha do khách hàng đứng ngoài thị trường chờ đợi. Đã có một số hoạt động trong mùa hè song khách mua chỉ mua với khối lượng nhỏ. Có một vài hợp đồng nhập khẩu nhỏ đã được ký kết.

Các thị trường thép cán phẳng châu Âu đã tái mở cửa sau một thời gian nghỉ lâu dài. Thị trường đã có phần khởi sắc do kinh tế hồi phục tại một số nước. Phản ứng lại thông báo của các nhà máy vào cuối tháng 7, giá đã tăng lên trong mùa hè này. Các nhà sản xuất, đã bị thua lỗ nặng đã buộc phải nỗ lực tăng giá bởi giá nguyên liệu thô cao. Nhiều nhà máy thép gặp phải các vấn đề về sản xuất, điều này có nghĩa là sẽ có ít nguyên liệu trong quý cuối năm nay.

Giá đã được lên kế hoạch tăng hơn nữa trong quý cuối năm nay. Điều này đã khiến người mua tích trữ hàng. Tuy nhiên, khách hàng có vẻ bị hấp dẫn bởi nguyên liệu nhập khẩu giá rẻ hơn là hàng tăng giá trong nước và điều này không chắc có ảnh hưởng tới các cuộc thương lượng trong quý 4.

Thị trường thép châu Mỹ

Tiêu thụ hàng chế tạo đã được cải thiện tại Mỹ, mặc dù các doanh nghiệp vẫn do dự đầu tư. Lòng tin tiêu dùng đã hồi phục trở lại, đẩy mạnh hoạt động kinh tế. Nhập khẩu từ nước thứ 3 đã giảm mạnh. Nguồn hàng tại Canada vẫn khan song đồng USD mạnh so với đồng nội tệ đang khuyến khích các nhà máy thép nội địa tăng giá. Tuy nhiên, nhu cầu vẫn yếu mặc dù một số ngành hiện đã hồi phục nhẹ. Các nhà phân phối và người sử dụng cuối cùng chỉ mua đủ dùng.

Thị trường thép châu Á

Tại Trung Quốc, giá thép hồi phục trong tháng 8/2013 đã thúc đẩy các nhà máy tăng sản lượng. Tuy nhiên, sức mua trong tháng 9 lại không được cải thiện như dự báo khiến giá đã giảm trở lại. Giá thép cây giao kỳ hạn đã giảm xuống còn mức thấp 3.618 NDT/tấn (590 USD/tấn) vào cuối tháng 9, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7do nguồn cung tăng, nhu cầu tiêu thụ chậm chạp và giá quặng suy yếu.

Tại Hàn Quốc, các nhà máy thép đã không thể tăng giá các sản phẩm thép cán phẳng do nhu cầu yếu. Hoạt động giao dịch xuất khẩu vẫn yếu với nhu cầu tại Trung Quốc tương đối yếu. Ngoài ra, việc đồng yên Nhật giảm giá đã tác động tới các nhà xuất khẩu Hàn Quốc. Ngành thép Hàn Quốc dự kiến vẫn yếu trong quý 4 năm nay.

Tại Nhật Bản, hoạt động bán cho ngành chế tạo tiếp tục tăng song hoạt động bán cho ngành xây dựng không nhiều. Hoạt động xuất khẩu trầm lắng do tình hình kinh tế nghèo nàn tại Châu Âu, thiếu nhu cầu từ khách tiêu dùng chính tại khu vực châu Á và công suất dư thừa tại Trung Quốc. Mặc dù nhập khẩu giảm, các chính sách khuyến khích của chính phủ dự kiến đẩy mạnh tiêu thụ trong quý 3 và quý 4. Thị trường thép xây dựng đang có triển vọng hồi phục khiến một số nhà máy thép lớn của Nhật Bản như Tokyo Steel đã thông báo tăng giá các sản phẩm thép trong tháng 10.

II.THỊ TRƯỜNG QUẶNG SẮT THẾ GIỚI:

Thị trường quặng sắt tháng 9 bắt đầu với xu hướng tích cực tại Trung Quốc nhờ các dự kiến tăng trưởng kinh tế và những can thiệp mới đây của chính phủ. Đồng rupie Ấn Độ giảm giá, các nhà xuất khẩu đã dựa vào đó mà xuất khẩu quặng sắt ra khỏi Ấn Độ, dấy lên cuộc chiến giữa các nhà sản xuất trong nước và các nhà xuất khẩu, đẩy giá tăng lên 200-300 rupi trên thị trường Ấn Độ. Đồng rupi giảm giá so với USD cũng khiến các nhà xuất khẩu quặng sử dụng đường sắt để chở hàng tận dụng mức chênh lệch cước phí vận tải. Điều này tạo ra dư thừa cung cấp quặng sắt tại Trung Quốc. Giá quặng sắt giảm do mất cân xứng về cung và cầu.

Trong 9 tháng đầu năm nay, giá quặng sắt biến động khá mạnh tại Trung Quốc. Giá tăng mạnh trong hai tháng đầu năm lên tới 155 USD/tấn sau đó giảm xuống đáy còn 112 USD/tấn vào tháng 6 và đầu tháng 7. Giá hồi phục dần lên mức gần 140 USD/tấn vào đầu tháng 9 sau đó giảm dần.

Đồ thị 2: biểu diễn chỉ số giá quặng sắt nhập khẩu hàm lượng 62% sắt của Trung Quốc, CFR.

Theo dự báo của Goldman Sachs, thế giới sẽ dư thừa quặng sắt đến năm 2017 do cung từ các nhà sản xuất như Rio Tinto, Vale tăng trong khi nhu cầu chậm lại. Nguồn cung quặng sắt đã thiếu hụt suốt 7 năm trong vòng 8 năm trở lại đây, kích thích các hãng tăng cường khai thác. Cung dư thừa ngày càng lớn sẽ khiến giá quặng lao dốc xuống chỉ còn khoảng 80 USD/tấn năm 2015.

Goldman Sachs tính toán nguồn cung quặng sắt sẽ tăng 9,7% lên 1,27 tỷ tấn trong năm tới, vượt mức tăng 3,7% của nhu cầu tiêu thụ là 1,19 tỷ tấn. Nhập khẩu quặng của Trung Quốc sẽ tăng khoảng 4% lên 800 triệu tấn. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu quặng sắt toàn cầu sẽ chậm lại còn 2,5% trong năm nay, thấp nhất kể từ năm 2008.

Ngân hàng Morgan Stanley nhận định năm 2014, thế giới sẽ dư thừa 82 triệu tấn quặng, mức cao nhất 6 năm qua, đồng thời lượng dư thừa sẽ duy trì ít nhất hết năm 2017. Australia chiến 66% sự gia tăng cung quặng sắt năm 2014.

Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng giá quặng sắt năm tới sẽ rơi vào khoảng 115 USD/tấn, giảm 17% so với giá hiện nay và xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009. Giá quặng tại cảng Thiên Tân, Trung Quốc hiện là 138,7 USD/tấn, giảm 4,3% từ đầu năm đến nay.

Các ngân hàng lớn khác cũng đánh giá tình trạng dư thừa quặng sắt trong năm tới. Deutsche Bank dự báo dư thừa 27 triệu tấn trong khi UBS nhận định thế giới sẽ dư thừa tới 150,7 triệu tấn năm 2014.

III. TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG THÉP TRONG NƯỚC:

Thị trường thép không có nhiều biến động trong tháng 9. Nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng đặc biệt ít trong mùa mưa bão và tháng ngâu song do giá nguyên liệu đầu vào tăng (giá thép phế nhập khẩu tăng từ 360 USD lên 395 - 410 USD/tấn, giá điện, cước vận tải tăng...) nên các doanh nghiệp vẫn phải tăng giá để tồn tại.

Từ đầu tháng 7 đến nay, các nhà máy thép đã tăng giá 3 lần, tổng cộng tăng thêm 450.000 đồng/tấn. Giá thép tăng, lại vào mùa mưa nên lượng tiêu thụ thép giảm, ước trong tháng 7 đạt 240.000 tấn. Tuy nhiên, cuối tháng 7, giá phôi thép bắt đầu giảm xuống chỉ còn dưới 1.000 USD/tấn nên giá bán trong nước đã có dấu hiệu chững lại và giảm. Một số doanh nghiệp tăng giá đón đầu đã phải giảm giá thành, thậm chí có doanh nghiệp giảm tới 2 triệu đồng/tấn.

Dự kiến, trong tháng 10 các DN sẽ tăng giá thép xây dựng để thăm dò phản ứng của thị trường và bù đắp chi phí đầu vào.

Trong 9 tháng đầu năm nay, tình hình không có nhiều tiến triển tích cực. Tình trạng chung vẫn là cung vượt cầu, giá giảm, hàng nhập khẩu cạnh tranh mạnh mẽ khiến DN lao đao, lợi nhuận giảm.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, tính chung 8 tháng đầu năm 2013, các DN trong Hiệp hội thép đã sản xuất được 3.012.236 tấn, tăng khoảng 0,92% (tương đương tăng 27.382 tấn); tiêu thụ được 3.035.389 tấn, tăng 3,04% (tăng tương ứng khoảng 89.660 tấn).

Theo thống kế của Tổng cục Hải Quan, tính đến ngày 15/8/2013, tổng lượng thép và nguyên liệu sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam lên tới hơn 8 triệu tấn; kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 5,1 tỷ USD, trong đó, phôi thép là 275.597 tấn, bằng 81% so với cùng kỳ năm 2012; thép tấm lá đen là 3.046.241 tấn, bằng 108% so với cùng kỳ; thép cuộn 104.944 tấn, bằng 85% so với cùng kỳ; thép phế 2.052.963 tấn, bằng 100% so với cùng kỳ năm 2012. Đối với thép cuộn nhập khẩu năm nay tuy có giảm nhưng không đáng kể, trong khi lượng thép cuộn hợp kim chứa nguyên tố Bo lại tăng mạnh.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng công suất thép xây dựng cả nước tính đến cuối tháng 8-2013 đạt 11,3 triệu tấn. Trong đó, có 2 triệu tấn thuộc các nhà máy thép đang trong giai đoạn xây dựng, 2 triệu tấn của 11 doanh nghiệp thép khác đang hoạt động rất khó khăn, đã ngưng hoạt động hoặc chỉ chạy cầm chừng.Như vậy, công suất 7,5 triệu tấn của các doanh nghiệp còn lại phải cạnh tranh với nhau khá ác liệt bởi cung vẫn lớn hơn cầu, chưa kể thép giá rẻ nhập khẩu ồ ạt cũng khiến ngành thép trong nước thêm khó khăn.

VSA dự báo tiêu thụ thép xây dựng cả năm 2013 chỉ đạt xấp xỉ 5 triệu tấn, tăng 3- 5% so với năm 2012.

IV. DỰ BÁO XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG:

Dự kiến nhu cầu tiêu thụ tại các nước phương tây thường xuyên giảm trong quý 4, do vậy giá dự kiến giảm trước khi kết thúc năm 2013. Các nhà máy thép dự kiến cắt giảm sản xuất trong mùa đông này. Điều này sẽ dẫn tới cân bằng cung và cầu trong năm tới. Giá dự kiến tiếp tục tăng trong quý 1/2014 do giá nguyên liệu thô tăng. Giá thép dự kiến tăng gần 4% trong năm 2014, so với mức năm 2013.

Các nhà máy thép châu Á sẽ không được hưởng lợi thế giá quặng sắt và than luyện cốc– hai nguyên liệu chính sử dụng trong chế tạo thép thấp hơn do giá thép cũng sẽ giảm do ngành chế tạo yếu. Tuy nhiên, các nhà máy thép Nhật Bản hoạt động tốt hơn cả, vẫn duy trì hoặc tăng lợi nhuận do đồng yên yếu và kinh tế trong nước hồi phục. Lợi nhuận của các nhà máy thép Hàn Quốc sẽ giảm do mất cân bằng cung-cầu sau khi các nhà máy lớn trong nước tăng năng suất và đồng won tăng giá so với Yên và Nhân Dân Tệ, nhu cầu yếu từ ngành đóng tầu- một trong các ngành tiêu thụ thép chính. Các nhà máy thép Trung Quốc sẽ tiếp tục bán các sản phẩm ở mức gần hoặc thấp hơn chi phí sản phẩm, kiến họ thu được ít lợi nhuận nhất so với các nước châu Á. Lợi nhuận của ngành chế tạo thép Ấn Độ được hỗ trợ nhờ quản lí tốt các mỏ quặng sắt.

Tại Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ thép thường tăng mạnh trong mùa xây dựng cuối năm do thời tiết khô ráo song nguồn cung hiện đang vượt xa cầu bởi vậy giá chỉ có thể vững chứ không thể tăng mạnh.

Từ nay đến cuối năm, nhà máy mới của CTCP Thép Miền Trung; nhà máy mới của Thép Hòa Phát (với công suất 450.000 tấn/năm); nhà máy mới của CSVC Sumikin (công suất 1,2 triệu tấn)… sẽ đi vào hoạt động. Nhiều dự án thép mới với công suất hàng trăm nghìn tấn thép vẫn tiếp tục được đầu tư. Ngoài ra, nguồn hàng nhập khẩu giá rẻ của nước láng giềng Trung Quốc cũng góp phần làm cho nguồn cung tăng cao.

Tháng 9- 2013

Phòng Tin Thương mại và Hội nhập Quốc tế

Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại

Theo vinanet.com.vn

spacer